Hotline

0243 566 5855

Giải pháp cho chiếu sáng công cộng

Table of contents

Cần biết – Tại Việt Nam, điện năng dùng cho chiếu sáng chiếm 35% tổng điện năng tiêu thụ (trên thế giới tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 16-17%).

Theo thông tin từ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM, hiện tại các thành phố lớn của Việt Nam chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng, đơn cử như tại Hà Nội là 52%, Bắc Giang 65%, Tuyên Quang 100%, Hội An 60%, Bến Tre 83%, Rạch Giá 90%…

Loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao, tuổi thọ trung bình chỉ đạt 6.000 – 18.000 giờ, chất lượng và hiệu quả sử dụng còn rất thấp.

Hệ thống các trạm điều khiển đèn vẫn chỉ được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống (Điều khiển công suất – Cường độ chiếu sáng, thời gian chiếu sáng…).

Để giảm chi phí điện năng và đối phó với tình trạng thiếu điện thường xuyên, trong những năm gần đây, một số thành phố lớn đã phải dùng biện pháp tắt 1/3 đến 1/2 số đèn chiếu sáng công cộng, làm ảnh hưởng đến độ sáng cần thiết và an toàn trong giao thông.

Hơn thế nữa, hệ thống chiếu sáng công cộng lại vô cùng cần thiết với chức năng góp phần đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội, làm đẹp cảnh quan đô thị, thúc đẩy các hoạt động thương mại, du lịch và thông qua đó, một cách gián tiếp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị.

Khi hệ thống chiếu sáng công cộng được đầu tư xây dựng nghiêm túc chính là dấu hiệu để hình thành nên những khu dân cư tập trung và làm tiền đề cho sự phát triển của đô thị mới.

Thách thức cho các địa phương liên quan đến mạng lưới chiếu sáng công cộng là phải gia tăng chất lượng chiếu sáng nhưng cần giảm điện năng tiêu thụ và cắt giảm ngân sách hoạt động hàng năm.

Người dân xem chiếu sáng công cộng như là một dịch vụ công cộng quan trọng và đòi hỏi ngày một cải thiện chất lượng. Do đó, đây là một áp lực không nhỏ và là một bài toán cần lời giải cho chính quyền các thành phố.

Như đã đề cập ở trên, đứng trước thách thức về thiếu điện và cắt giảm chi phí, các địa phương phải bắt buộc thực hiện tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng.

Mặt khác, phải tăng cường cải thiện chất lượng dịch vụ chiếu sáng công cộng, giảm phát thải CO2 để thực hiện chỉ thị quốc gia, quốc tế về môi trường; tạo hình ảnh thành phố “xanh – sạch – văn minh” để thu hút các nhà đầu tư mới về sản xuất, du lịch, giảm ô nhiễm ánh sáng…

Hiện nay, xu hướng chung của thế giới là sử dụng đèn LED để thay thế cho các loại đèn cao áp trong chiếu sáng công cộng.

Giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm từ 40-70% điện năng tiêu thụ, bên cạnh đó chi phí cho bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng giảm đáng kể, tiết kiệm ngân sách cho thành phố, góp phần giảm lượng khí thải nhà kính gây ô nhiễm môi trường, chất lượng chiếu sáng được tăng lên, đời sống người dân được cải thiện.

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng định hướng, lộ trình chiến lược nhằm phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng trên cơ sở xã hội hóa sâu rộng.

Tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng phải được nghiên cứu, đề cập ngay từ khâu lập quy hoạch đến giai đoạn đầu tư.

Nguồn: Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM

Share Social
02462726969